image banner
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Tất cả: 1
Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Đề án 06/CP triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025

Chiều 6/2, đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã chủ trì phiên họp trực tuyến tổng kết hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Đề án 06/CP năm 2024, triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.

Tham dự phiên họp có đồng chí Nguyễn Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương.

Tại điểm cầu tỉnh Nghệ An, các đồng chí: Bùi Đình Long – Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Bá Hùng – Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông; Trần Ngọc Tuấn – Phó Giám đốc Công an tỉnh chủ trì. Tham dự phiên họp có các  thành  viên  Ban  Chỉ  đạo  chuyển  đổi  số  tỉnh, các thành viên Tổ công tác Đề án 06/CP tỉnh và Tổ giúp việc.

Anh-tin-bai

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Nghệ An

Anh-tin-bai

Các đồng chí chủ trì hội nghị tại điểm cầu Nghệ An

Tỷ trọng kinh tế số năm 2024 đạt 18,3% GDP, nhanh nhất Đông Nam Á

Theo báo cáo tại phiên họp, Việt Nam vươn lên vị trí thứ 71/193 quốc gia trong bảng xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc (công bố tháng 9/2024), tăng 15 bậc so với năm 2022. Đây là lần đầu tiên Việt Nam được xếp vào nhóm quốc gia có Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử (EGDI) ở mức "rất cao".

Thể chế đã giải quyết được nhiều điểm nghẽn tồn tại từ lâu và tạo không gian, động lực phát triển mới cho nền kinh tế. Hạ tầng số được mở rộng, phát triển. Lần đầu tiên sau 15 năm, Việt Nam đấu giá thành công tần số 5G, giúp bổ sung thêm 300 MHz để năng cao chất lượng di động băng rộng; chất lượng thông tin di động tăng, tốc độ tải băng rộng di động đạt 86,96 Mbps, tăng 14 bậc xếp hạng quốc gia (lên 37/110 quốc gia); tốc độ tải băng rộng cố định đạt 159,32 Mbps, tăng 7 bậc xếp hạng quốc gia (lên 35/154 quốc gia). Tỷ lệ hộ gia đình có Internet cáp quang đạt 82,4%, vượt mục tiêu đến năm 2025 là 80%. Dữ liệu số và nền tảng số tiếp tục được xây dựng, phát triển…

Về Chính phủ số, lần đầu tiên thực hiện giám sát và công bố trực tuyến việc cung cấp và sử dụng dịch vụ công (DVC) trực tuyến. Việc giám sát và công bố trực tuyến bảo đảm kết quả triển khai thực chất, hiệu quả. Các bộ, ngành, địa phương thực hiện chuyển đổi số có trọng tâm, trọng điểm, có mũi đột phá và làm dứt điểm. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình của cả nước đạt 45%, tăng 28% so với năm 2023, ghi nhận nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương. Cổng DVC quốc gia tiếp tục phát huy hiệu quả với 70,8% tổng số TTHC được cung cấp trên Cổng DVC quốc gia (4.475 thủ tục). Từ tháng 7/2024 dùng VNeID để đăng nhập, sử dụng DVC trực tuyến (khoảng 425.000 lượt/ngày) tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Về kinh tế số, tỷ trọng kinh tế số năm 2024 đạt 18,3% GDP, tốc độ tăng trưởng vượt 20%/năm, cao gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP, nhanh nhất Đông Nam Á.

Về Xã hội số, lần đầu tiên, tỷ lệ truy cập các nền tảng số Make in VietNam so với các nền tảng số nước ngoài vượt 20%, đạt 25,25% tăng 5,62% so với năm 2023. Với kết quả này, Việt Nam trở thành một trong số ít các quốc gia có số lượng người dùng nền tảng số nội địa ở mức cao. Nhiều nền tảng số nội địa trong lĩnh vực ngân hàng, mạng xã hội, truyền hình, truyền thông,… ngày càng được người dùng yêu thích, lựa chọn thay thế các nền tảng số nước ngoài.

Chứng thư chữ ký số cấp cho người dân trưởng thành năm 2024 đạt 12,5 triệu, tăng 58,61% so với với năm 2023, nâng tỷ lệ người trưởng thành có chữ ký số lên 25%.

Số lượng tài khoản VNeID đã kích hoạt trên 55,25 triệu tài khoản, vượt mục tiêu 40 triệu tài khoản người dùng trong Đề án 06/CP; 90% người dân tham gia bảo hiểm có sổ sức khỏe điện tử; 100% học sinh/sinh viên có hồ sơ học tập số; 100% bệnh viện, trung tâm y tế công, cơ sở giáo dục đại học triển khai thanh toán không dùng tiền mặt…

Kết quả thực hiện Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số: 09/10 (90%) chỉ tiêu hoàn thành, cơ bản hoàn thành, trong đó: 06 chỉ tiêu hoàn thành 100% mục tiêu; 01 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức; 03 chỉ tiêu hoàn thành từ 80-92,5% mục tiêu đề ra. 01/10 chỉ tiêu chưa có kết quả cụ thể (Chỉ tiêu: Người dân trưởng thành có sử dụng dịch vụ công trực tuyến). 44/63 (69,8%) nhiệm vụ hoàn thành; 19/63 (30,2%) nhiệm vụ đang tiếp tục thực hiện, sắp hoàn thành. Các nhiệm vụ thường xuyên đều được thực hiện đạt kết quả tốt.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến toàn trình chưa cao; tỷ lệ sử dụng chữ ký số còn thấp. Dữ liệu còn bị cát cứ, chưa kết nối, chia sẻ và khai thác hiệu quả; việc triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia còn chậm. An toàn thông tin (ATTT), an ninh mạng đối mặt với nhiều thách thức, lừa đảo trực tuyến, tội phạm sử dụng công nghệ cao xuyên quốc gia, tấn công mạng ngày càng phức tạp; trong khi đó nhiều nơi chưa quan tâm và đầu tư tương xứng cho ATTT. Tỷ lệ hệ thống thông tin được thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo ATTT theo cấp độ còn thấp so với yêu cầu của Thủ tướng giao tại Công điện 33, tháng 4/2024. Nhân lực chuyên trách về CNTT, công nghệ số trong các cơ quan, tổ chức, các ngành kinh tế mới nổi còn thiếu và chưa đồng đều. Kỹ năng số của người dân chưa đồng đều, đặc biệt người dân tại các vùng nông thôn, miền núi, vùng khó khăn chưa được tiếp cận nhiều với các dịch vụ số...

Chủ đề Chuyển đổi số quốc gia năm 2025 là “Chuyển đổi số toàn diện để phát triển kinh tế số, tạo ra động lực mới cho tăng trưởng kinh tế”. Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số sẽ tập trung chỉ đạo triển khai chuyển đổi số toàn diện các ngành, lĩnh vực góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8-10% trong năm 2025.

Tỉnh Nghệ An đã quyết liệt chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động tối đa các nguồn lực

Xác định năm 2024 là năm tăng tốc để thực hiện các mục tiêu chung, năm bản lề quyết định đến việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu đã đặt ra tại Chương trình Chuyển đổi số, Đề án 06/CP đến năm 2025 và xây dựng đến năm 2030, với quyết tâm chính trị cao nhất, tỉnh Nghệ An đã quyết liệt chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động tối đa các nguồn lực trong thực hiện các nhiệm vụ, trong đó để tạo đột phá, Nghệ An đã triển khai một số cách làm sáng tạo, đạt được nhiều kết quả tích cực.

Anh-tin-bai
Anh-tin-bai

Các đại biểu dự phiên họp tại điểm cầu Nghệ An

Đến nay tỉnh Nghệ An đã đạt được 10/11 mục tiêu về Chính quyền số, 05/06 mục tiêu về Kinh tế số, 03/03 mục tiêu Xã hội số; 100% các cơ quan nhà nước, từ cấp tỉnh đến cấp xã được kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng với trên 849 điểm kết nối. Toàn tỉnh có khoảng 3.743/3.806 thôn, bản được phủ sóng băng rộng di động. Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 81,6%; tỷ lệ hộ gia đình có người có điện thoại thông minh ước đạt 94,4%... Theo đánh giá tại “Bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp của Bộ, ngành, địa phương trên hệ thống Cổng dịch vụ công quốc gia”, năm 2024 tỉnh Nghệ An tăng 09 bậc so với năm 2023, tiếp nhận trực tuyến tăng 19,6%; số hóa hồ sơ tăng 28,1%; thanh toán trực tuyến tăng 34,87% so với năm 2023.

UBND tỉnh đã chỉ đạo Công an tỉnh làm sạch, chuẩn hóa 11.295.713 dữ liệu phục vụ kết nối, khai thác và bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; 100% trường học trên địa bàn tỉnh triển khai thu học phí không dùng tiền mặt; 98,55% người nhận hưởng các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp và 91,04% người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng chi trả qua tài khoản cá nhân; 67,82% đối tượng an sinh xã hội hiện đang quản lý đã được mở tài khoản thanh toán với tổng số tiền là 632,89 tỷ đồng. Các cơ sở khám, chữa bệnh đã tiếp nhận thanh toán không sử dụng tiền mặt, với tổng số tiền thanh toán trong năm 2024 là 1.485 tỷ đồng; 100% cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đã sử dụng thẻ Căn cước thay thế BHYT trong khám, chữa bệnh.

Đối với triển khai thực hiện Đề án 06/CP, tỉnh Nghệ An đã thành lập 460 Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã và 3.793 tổ cấp thôn, xóm với 23.314 người tham gia; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số cho 6.130 cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện thí điểm nhóm TTHC không tiếp nhận hồ sơ giấy tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận Một cửa các cấp. Cùng với đó, tỉnh đã kết nối hạ tầng; đẩy mạnh số hóa, dùng chung dữ liệu; tạo đồng bộ trên môi trường điện tử từ tỉnh đến cấp xã. Nhờ đó, Nghệ An là một trong những địa phương trong tốp đầu cả nước hoàn thành kết nối các Hệ thống dùng chung, triển khai 02 nhóm DVC liên thông tại Nghị định 63/2024, triển khai TTHC mới, các tiện ích như cấp Phiếu Lý lịch tư pháp, Sổ sức khỏe điện tử trên địa bàn tỉnh…

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện chuyển đổi số, tỉnh Nghệ An còn gặp một số khó khăn; kết quả chung về công tác chuyển đổi số của tỉnh còn chưa đạt yêu cầu đề ra.

Thực hiện chuyển đổi số toàn dân, toàn diện, toàn trình và phù hợp với xu thế phát triển thế giới, đáp ứng nhu cầu của nhân dân

Anh-tin-bai

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại phiên họp (Ảnh: Chinhphu.vn)

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, hiệu quả của chuyển đổi số và Đề án 06/CP mang lại cho người dân và doanh nghiệp rất thiết thực. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, đồng thời đề nghị triển khai các giải pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế.

Theo Thủ tướng Chính phủ vai trò của người đứng đầu rất quan trọng, là yếu tố tiên quyết trong thực hiện chuyển đổi số và Đề án 06/CP. Bên cạnh đó cần có sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện chuyển đổi số gắn chặt với cuộc cách mạng cải cách bộ máy hành chính và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Chuyển đổi số toàn dân, toàn diện, toàn trình, ở các ngành, các cấp và phù hợp với xu thế phát triển thế giới, đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là yêu cầu khách quan, là lựa chọn chiến lược, là ưu tiên hàng đầu để phát triển kinh tế nhanh, bền vững trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước, giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng và nhân dân ngày càng ấm no và hạnh phúc. Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, làm chủ thể để thúc đẩy phát triển.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải tăng tốc bứt phá trong chuyển đổi số toàn diện, đưa công nghệ số lan tỏa đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế, góp phần tăng trưởng nền kinh tế lên 2 con số trong giai đoạn tới. Tăng tốc bứt phá trong số hóa các ngành kinh tế nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ… Tăng tốc bứt phá trong phát triển hạ tầng số. Tăng tốc bứt phát trong phát triển nhân lực số, trang bị kiến thức kỹ năng cho thế hệ tương lai sẵn sàng nắm bắt các cơ hội trong kỷ nguyên số. Tăng tốc, bứt phá trong phát triển chính phủ số, xã hội số, công dân số.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình để thực hiện tốt Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Chương trình hành động của Chính phủ về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số góp phần vào tăng trưởng kinh tế trong năm 2025. Triển khai Nghị quyết số 57 nhanh, có hiệu quả, làm việc tránh hình thức, qua loa, đại khái. Các nhiệm vụ trong kế hoạch phải cụ thể hóa, lượng hóa để dễ triển khai, dễ đánh giá, dễ đo lường, dễ kiểm tra và dễ giám sát.

Đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức xã hội về chuyển đổi số, ứng dụng Đề án 06/CP với tinh thần đa dạng hóa hình thức, nội dung và lượng hóa về kết quả cho các nhóm đối tượng, nhất là đối với người dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu phát động phong trào thi đua toàn quốc về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Bên cạnh đó đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát để các nhiệm vụ đưa ra được thực hiện.

Thủ tướng Chính phủ đồng ý tích hợp cơ quan chuyển đổi số quốc gia, cải cách thủ tục hành chính và Đề án 06 thành Ban Chỉ đạo của Chính phủ về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu.

Thống nhất về nhận thức và hành động của người lãnh đạo trong chuyển đổi số. Yêu cầu các Bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải có quyết tâm cao, nêu gương đi đầu, tiên phong trong nhận thức và đổi mới tư duy, hành động.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu đến tháng 6/2025, tất cả lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương phải chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc trên môi trường mạng và ký số. Cuối tháng 9/2025, tất cả cán bộ, công chức cấp xã, huyện, tỉnh phải xử lý trên môi trường mạng và ký số…

Nguồn tin: PT-https://nghean.gov.vn

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ GIAO THÔNG VẬN TẢI TỈNH NGHỆ AN
Chịu trách nhiệm chính: Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Nghệ An
Địa chỉ: Số 47 đường Lê Hồng Phong, TP Vinh, Nghệ An
Điện thoại: 02383.844.530 - Fax: 02383.849.670 - Email:gtvt@nghean.gov.vn