Kiểm tra chặt nơi đầu bến để mỗi chuyến xe đều đảm bảo an toàn
Ngày 26/12, thực hiện kế hoạch kiểm tra cao điểm vận tải tết Dương lịch, tết Nguyên đán và lễ hội Xuân 2024, Đội thanh tra giao thông khu vực 1, thuộc Thanh tra Sở GTVT Nghệ An triển khai lực lượng kiểm tra tại các bến xe khách trên địa bàn.
Ông Nguyễn Công Hậu - Đội trưởng Đội TTGT khu vực 1 cho biết: Năm nay, công tác thanh tra hoạt động kinh doanh vận tải hành khách trong đợt cao điểm Tết sẽ có một số thay đổi so với các năm trước đây. Lực lượng thanh tra sẽ tăng cường kiểm tra tại các bến xe, kiểm tra tại các đơn vị thay vì tổ chức các điểm chốt kiểm tra kiểm soát giao thông, trực tiếp kiểm tra, xử lý các phương tiện có hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Việc điều chỉnh này giúp ngăn chặn sớm các nguy cơ mất an toàn giao thông, đảm bảo mỗi xe trước khi xuất bến đều đã chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật. Đồng thời, phù hợp với các quy định của Luật Thanh tra, Luật Trật tự an toàn giao thông.
Ghi nhận của PV Báo Giao thông tại bến xe Bắc Vinh và bến xe phía Đông, hai bến có lượng phương tiện hoạt động lớn nhất tỉnh Nghệ An. Đáp ứng trên 300 lượt phương tiện với khoảng hơn 1.000 lượt hành khách mỗi ngày.
Công tác thanh, kiểm tra được thực hiện thường xuyên liên tục nên các nhà xe, đơn vị kinh doanh vận tải luôn chấp hành tốt các quy định.
Tại đây, các tổ thanh tra sẽ trực tại bến xe, kiểm tra từng phương tiện, người lái khi chuẩn bị đăng tài, vào lốt. Các lái xe được yêu cầu xuất trình giấy phép lái xe, lệnh vận chuyển, thẻ nhân viên và các giấy tờ khác theo quy định.
Đối với phương tiện, lực lượng thanh tra kiểm tra hệ thống đảm bảo an toàn trên xe như: dây an toàn cho hành khách, búa thoát hiểm, bình chữa cháy và đặc biệt là kiểm tra tình trạng hoạt động của thiết bị giám sát hành trình, camera hành trình. 100% các lái xe được yêu cầu mở phần mềm để truy cập dữ liệu, đảm bảo các tính năng theo quy định đều đang hoạt động tốt và truyền dữ liệu về cơ quan quản lý Nhà nước.
Qua kiểm tra, chưa phát hiện bất cứ trường hợp nào vi phạm. Lái xe Nguyễn Văn Chiến (điều khiển xe khách giường nằm BKS 50H706.40, thuộc Công ty Futa Hà Sơn) cho biết: Đơn vị vừa mở thêm tuyến Vinh đi bến xe Nước ngầm (Hà Nội) và ngược lại với 10 đầu xe mới, nên tôi được điều chuyển từ tuyến Hà Nội - Lào Cai về hỗ trợ. Ở công ty chúng tôi quy định rất rõ và có chế tài riêng đối với đội ngũ lái xe, phụ xe. Từ trang phục, thái độ phục vụ cho đến việc chấp hành các quy định khi đi trên xe đều phải thực hiện đúng. công ty cũng có đội ngũ chuyên giám sát qua hệ thống camera hành trình đảm bảo các xe luôn phải chấp hành. Chỉ cần mặc không đúng trang phục hay lái xe nghe điện thoại lúc lái xe sẽ lập tức bị trừ lương.
Tương tự, lái xe Võ Tuấn Anh (nhà xe Anh Kiệt, tuyến Vinh - Quế Phong) cho biết: Những gì Nhà nước đã quy định thì mình phải chấp hành. Thứ nhất là an toàn cho mình, an toàn cho hành khách. Nếu mình vi phạm thì khi thanh tra kiểm tra hoặc gặp lực lượng cảnh sát giao thông, kiểu gì mình cũng bị phạt. Mà giờ là cao điểm, ngày nào họ cũng kiểm tra, không cớ gì để mình vi phạm cả.
Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, tạo hiệu quả trong tình hình mới
Có thể nói, năm 2024 và năm 2025 là thời điểm hoạt động thanh tra của lực lượng TTGT cả nước có nhiều thay đổi. Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông được Quốc hội thông qua có hiệu lực từ 1/1/2025, theo đó chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng thanh tra giao thông được quy định rõ hơn. Lực lượng thanh tra giao thông sẽ không còn phải đảm nhiệm nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên các tuyến đường nữa mà thay vào đó sẽ phải làm sâu hơn công tác thanh kiểm tra chuyên ngành; kiểm tra theo đoàn, theo kế hoạch tại các đơn vị, doanh nghiệp của ngành. Cùng đó, được giao thêm nhiệm vụ kiểm tra giám sát lĩnh vực Đào tạo sát hạch lái xe và các Trung tâm đăng kiểm phương tiện cơ giới đóng tại địa bàn.
Theo số liệu báo cáo của Thanh tra Sở GTVT Nghệ An, năm 2024, Thanh tra Sở đã thực hiện 4 cuộc thanh tra theo kế hoạch của UBND tỉnh; lập 44 đoàn kiểm tra giám sát đối với 810 tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực giao thông, vận tải.
Qua các cuộc thanh tra, phát hiện, xử phạt 5 Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới có sai phạm trong công tác đăng kiểm; tước quyền sử dụng "Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới" 2 tháng đối Trung tâm Kiểm định xe cơ giới 3706D; phạt 6 đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô do vi phạm về việc chấp hành các quy định về kinh doanh vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải bằng xe ô tô. Các đoàn kiểm tra đã phát hiện và lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với 620 tổ chức, cá nhân vi phạm, với số tiền hơn 2 tỷ đồng; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành hành nghề đối với 95 tổ chức, cá nhân, đình chỉ tuyển sinh đối với 1 trung tâm đào tạo lái xe.
Trong công tác giải quyết khiếu nại tố cáo, Thanh tra Sở được giao xử lý 34 vụ việc, trong đó: khiếu nại: 6 trường hợp; tố cáo: 8 trường hợp; phản ánh, kiến nghị: 20 trường hợp. Căn cứ các quy định của Luật Tiếp công dân, Luật Tố cáo, Luật Khiếu nại, Thanh tra Sở đã tham mưu Giám đốc Sở xử lý các vụ việc đúng thẩm quyền, thời gian quy định.
Ông Nguyễn Viết Hùng - Chánh thanh tra Sở GTVT Nghệ An cho biết: "Từ những kết quả đạt được trong năm 2024, lực lượng thanh tra sẽ tiếp tục xây dựng các kế hoạch, tổ chức các đoàn thanh tra nhằm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao năm 2025. Trong đó, chúng tôi sẽ tăng cường công tác lãnh đạo chỉ đạo, nâng cao trách nhiệm người thực thi công vụ, trách nhiệm người đứng đầu trong tất cả các công việc được giao.
Bên cạnh đó, sẽ thực hiện cải tổ mạnh mẽ ở các bộ phận, chấn chỉnh đạo đức công vụ, phòng chống tham nhũng trong toàn lực lượng. 100% cán bộ, công chức thanh tra đều ký cam kết về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Đồng thời sẽ tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao nghiệp vụ cho toàn lực lượng thực thi công vụ nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới".